Bước 1: Thụ lý giải quyết khiếu nại
1. Nghiên cứu và xem xét thụ lý khiếu nại
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi
hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường
hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại 2011 thì người có thẩm quyền
giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết.
Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung
và cử người đại diện để
trình bày nội dung khiếu nại thì thụ lý khi trong đơn khiếu nại có
đầy đủ chữ ký của những người khiếu
nại và có văn bản cử
người đại diện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định
số 124/2020/NĐ-CP.
2. Thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý khiếu nại
Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành
chính, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo việc thụ lý hoặc
không thụ lý bằng văn bản đến người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên
quan và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết.
Trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung
và cử người đại diện để
thực hiện việc khiếu nại thì văn bản thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý được gửi đến
một trong số những người đại diện.
3. Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần
thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.
Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại
1. Sau khi thụ lý khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu
nại tiến hành xác minh nội dung khiếu nại.
2. Giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại
Người giải quyết khiếu nại tự mình xác minh hoặc giao
cơ quan thanh tra nhà
nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình tiến hành xác minh nội dung khiếu nại.
Người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, tổ
chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh ban hành Quyết định
xác minh nội dung khiếu nại, trong đó xác định rõ người thực hiện xác minh,
quyền và nghĩa vụ của người thực hiện xác minh, thời gian, nội dung xác minh.
3. Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại
a) Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại
diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại
Người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm
vụ xác minh nội dung khiếu nại làm việc trực tiếp và yêu cầu người khiếu nại
hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của
người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến nhân thân, nội dung khiếu nại.
Nội dung làm việc được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung và có chữ ký của các
bên. Trường hợp người khiếu nại không hợp tác, không làm việc, không ký vào biên bản làm việc thì biên bản được lấy chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền địa
phương. Biên bản được lập thành ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản.
b) Làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên
quan và người bị khiếu nại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người
giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan, người
bị khiếu nại và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu
nại, giải trình về quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
Nội dung làm việc được lập thành biên bản, ghi rõ thời
gian, địa điểm, thành phần, nội dung và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản.
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá
nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng
Trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại, người giải
quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh gửi văn bản yêu cầu cơ
quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu,
bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại.
Trường hợp làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn
vị, cá nhân có liên quan để yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng thì
lập biên bản làm việc. Biên bản được lập thành ít nhất
hai bản, mỗi bên giữ một bản.
d) Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng
Người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm
vụ xác minh khi tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại
hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của
người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung
cấp trực tiếp phải lập biên bản giao nhận.
đ) Xác minh thực tế
Khi cần thiết, người giải quyết khiếu nại
hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh tiến hành xác minh thực tế để thu
thập, kiểm tra, xác định tính chính xác, hợp pháp, đầy đủ
của các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung vụ việc khiếu nại.
Việc xác minh thực tế phải lập thành biên bản, ghi rõ
thời gian, địa điểm, thành phần làm việc, nội dung, kết quả xác minh, ý kiến của những người tham gia xác minh và những người khác
có liên quan.
c) Trưng cầu giám định
Người giải quyết khiếu nại quyết định việc trưng cầu
giám định khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung khiếu nại.
Người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức
có liên quan có thể đề nghị người giải quyết khiếu nại trưng cầu giám định. Khi xét thấy đề nghị của người khiếu nại,
người bị khiếu nại và
cơ quan, tổ chức có liên quan có cơ sở thì người giải
quyết khiếu nại quyết định trưng cầu giám định.
Việc trưng cầu giám định thực hiện bằng văn bản trong đó nêu rõ tên cơ quan, tổ chức giám định, thông tin, tài
liệu cần giám định, nội dung yêu cầu giám định, thời hạn có kết luận giám
định.
g) Làm việc với các bên có liên quan trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại
Trường hợp kết quả xác minh khác với thông tin, tài
liệu, bằng chứng do người khiếu nại, người bị khiếu nại cung cấp thì người
giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác
minh phải tổ chức làm việc với người khiếu nại, người bị khiếu nại; trường
hợp cần thiết thì mời cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan tham gia làm
việc.
Nội dung làm việc phải được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia, nội dung, ý kiến của những người tham gia, những
nội dung đã được thống nhất, những vấn đề còn ý kiến khác nhau và có chữ ký
của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất ba bản, mỗi bên giữ một bản.
h) Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ
gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết
khiếu nại ra quyết định tạm đình chỉ
việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại. Thời
hạn tạm đình chỉ
không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải
quyết khiếu nại.
Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì
người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ.
4. Báo cáo kết quả xác minh nội
dung khiếu nại
Người được giao nhiệm vụ xác minh phải báo cáo trung
thực, khách quan kết quả xác minh nội dung khiếu nại bằng văn
bản với người giải quyết khiếu nại.
Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại phải bao
gồm các nội dung: Đối tượng xác minh; thời gian tiến hành xác minh; người
tiến hành xác minh; nội dung xác minh; kết quả xác minh; kết luận và kiến
nghị nội dung giải quyết khiếu nại. Trong báo cáo phải thể hiện rõ thông tin về người khiếu nại, người bị khiếu nại, quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại,
yêu cầu của người khiếu nại, căn cứ để khiếu nại; kết quả giải quyết khiếu nại trước đó (nếu có); kết quả xác minh đối với từng
nội dung được giao xác minh; kết luận nội dung khiếu nại được giao xác minh
là đúng toàn bộ, sai toàn bộ hoặc đúng một phần; kiến nghị giữ nguyên, hủy bỏ toàn bộ hoặc sửa đổi, bổ sung một phần quyết định hành chính,
hành vi hành chính bị khiếu nại; kiến nghị về việc ban hành quyết định giải
quyết khiếu nại.
Bước 3: Tổ chức đối thoại
1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, Chủ
tịch UBND cấp tỉnh phải tổ chức đối thoại, Giám đốc Sở hoặc cấp tương đương
phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có
quyền và
nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại trong trường hợp khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm
quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay
gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội).
Đối với các trường hợp khác, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại
với người khiếu nại. Trong quá trình đối thoại, người được phân công phải kịp
thời báo cáo với người giải quyết khiếu nại về những nội dung phức tạp, vượt
quá thẩm quyền; kết thúc đối thoại phải báo cáo với người giải quyết khiếu
nại về kết quả đối thoại và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.
2. Người chủ trì đối thoại phải tiến
hành đối thoại trực tiếp với với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Người chủ trì
đối thoại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới người tham gia đối thoại gồm người khiếu nại, người đại diện (trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung) người bị
khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan về thời gian, địa
điểm, nội dung đối thoại. Khi đối thoại, người chủ trì đối thoại phải nêu rõ
nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu
nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
3. Việc đối thoại được lập thành biên bản, ghi rõ thời
gian, địa điểm, thành phần tham gia (ghi rõ người dự và người vắng mặt; trường hợp người khiếu nại không tham gia đối thoại thì ghi rõ có lý do hoặc không có lý do), nội dung,
ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thống nhất, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau
và có chữ ký của các bên; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do. Biên bản được lập thành ít nhất ba bản, mỗi bên giữ một bản.
Bước 4: Ra quyết định giải quyết khiếu nại và công khai quyết định giải quyết khiếu nại
1. Căn cứ quy định của pháp luật, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả đối thoại, ý kiến bằng văn bản
của Hội đồng tư vấn (nếu có), Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc Sở hoặc cấp tương đương ra
quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các
nội dung: Ngày, tháng, năm ra quyết định; tên, địa chỉ của người khiếu nại,
người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại; kết quả giải
quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu; kết quả xác minh nội
dung khiếu nại; kết quả đối thoại; căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường
hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành
vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai
toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực
hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính; việc bồi thường cho người
bị thiệt hại (nếu có); quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
3. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội
dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết
định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo
danh sách những người khiếu nại.
4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết
định giải quyết khiếu nại lần hai, người
giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại; người
bị khiếu nại; người giải quyết khiếu nại lần đầu; người có quyền, nghĩa vụ
liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
5. Trong thời hạn 15 ngày, kể
từ khi có quyết định giải quyết khiếu nại, người có
thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai có trách nhiệm
công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức: Công
bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác; niêm yết
tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết
khiếu nại; thông báo
trên phương tiện thông tin đại chúng.
|